MENU
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT BẮC BỘ

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN:

AI THẮNG TRONG CUỘC ĐUA PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC SẼ THẮNG TRONG CUỘC ĐUA KINH TẾ

Ở các nước phát triển, đào tạo nghề luôn gắn với doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách thấp nhất có thể giữa kiến thức, kỹ năng được trang bị trong các trường nghề và nhu cầu sử dụng trong các doanh nghiệp. Mối quan hệ của các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay còn khá lỏng lẻo. Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ - 2014, AHLĐ – TS Phạm Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ, Tổng giám đốc Công ty Bình An đã dành cho phóng viên Báo ANHP cuộc trò chuyện về liên kết trong đào tạo nghề. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:

- Phóng viên:Xin ông giới thiệu với bạn đọc Báo ANHP về mối liên kết đào tạo nhân lực giữa Bình An và Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ?

- AHLĐ.TS Phạm Văn Trung:Tổng công ty Bình An tiền thân là Xí nghiệp tập thể Bình An chuyên sản xuất vật liệu và thiết bị tàu thủy, sửa chữa và đóng mới tàu thủy, đào tạo dạy nghề. Tổng công ty Bình An hoạt động theo mô hình tự nghiên cứu và triển khai sản xuất các kết quả nghiên cứu đều không phải vay vốn ngân hàng mà việc làm cho người lao động vẫn ổn định. Lương và phúc lợi của người lao động được điều chỉnh tăng theo lạm phát để đảm bảo giá trị đồng lương. Các đơn vị thành viên của Bình An đều có nhà ăn, nhà nghỉ trưa, nhà ở tập thể miễn phí cho công nhân…

    Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng và Tổng cục Dạy nghề quy hoạch đầu tư trọng điểm đạt chuẩn quốc tế, trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho thành phố Hải Phòng và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhà trường đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo bao gồm: hoàn thiện chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, bảo đảm linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị theo hướng hiện đại vừa phục vụ giảng dạy vừa nghiên cứu sản xuất để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Trước mắt, nhà trường tập trung đầu tư đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, tiếng Anh, tin học…để vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành, bảo đảm dạy tích hợp và dạy theo chương trình đào tạo quốc tế. Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ hiện có mối quan hệ với gần 200 doanh nghiệp và sinh viên các khóa đều được các doanh nghiệp đặt hàng, 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm.

   Giữa Tổng công ty Bình An với Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ đã hình thành hệ thống đào tạo, học sinh, sinh viên học lý thuyết tại trường và học thực hành tại doanh nghiệp. Quan hệ này được thiết lập ngay khi Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ ra đời và ngày càng gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau, các bên cùng có lợi. Nhờ đó, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ khắc phục được những hạn chế thường xảy ra đối với các cơ sở đào tạo nghề như: chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên hoặc đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn, chương trình đào tạo chưa thực sự gắn liền với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động…Nhà trường hiện nay không chú trọng số lượng mà chú trọng chất lượng đào tạo, tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao và giải quyết việc làm…

- Phóng viên:Sự đột phá trong chất lượng dạy nghề của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ được thực hiện như thế nào thưa ông?

- AHLĐ.TS Phạm Văn Trung:Xuất phát từ nhận thức coi cơ sở đào tạo là doanh nghiệp và sinh viên là sản phẩm có thể thương mại hóa được, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ rất quan tâm đến việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp quốc tế về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề, trình độ ngoại ngữ. Cùng với việc xây dựng khung trình độ nghề quốc gia tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia, hoàn thiện khung chương trình đào tạo và khung trình độ kỹ năng nghề của nhà trường, giải pháp đổi mới căn bản về đào tạo dạy nghề của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ là tích hợp ba giai đoạn tiến hóa trong một quá trình đào tạo. Theo đó, giai đoạn 1 là đào tạo lý thuyết, thực hành cơ bản (phần lớn các cơ sở dạy nghề ở Việt Nam mới chỉ dừng ở giai đoạn này); giai đoạn 2 là đào tạo gắn với sản xuất; giai đoạn 3 là đào tạo phương pháp sáng tạo. Đào tạo gắn với sản xuất nhằm tạo sinh viên làm quen về cách thực làm ra một sản phẩm không đơn giản diễn ra tuần tự từ dễ đến khó cũng như không chỉ có các thao tác như phần thực hành cơ bản và một sản phẩm hoàn chỉnh là sự kết hợp của nhiều người, nhiều nghề. Thông qua đó, đào tạo khả năng hợp tác làm việc theo nhóm cho sinh viên để sau khi ra trường các em với những nghề khác nhau có thể liên kết hợp tác với nhau hình thành nên những tổ hợp tác nhỏ hay các nhóm độc lập làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn. Các nhóm này là tiền đề cho sự ra đời các HTX, doanh nghiệp sau này. Đào tạo phương pháp sáng tạo tức là cách thức để cải tiến một quy trình công nghệ hoặc cách thức tạo ra một sản phẩm mới hay những tính năng mới cho sản phẩm. Suy cho cùng, đào tạo – dạy nghề quan trọng nhất là dạy về cách nghĩ khác biệt trước một hiện tượng, vấn đế, giúp người học đi xa hơn người thày của mình trong tương lai. Theo chúng tôi, giải pháp này sẽ làm cơ sở của một cuộc cách mạng về đào tạo dạy nghề, góp phần tạo ra những thế hệ công nhân Việt Nam mới không chỉ có nhận thức chính trị mà còn có năng lực thích nghi và sáng tạo cao. Như mọi người đều biết, một quốc gia sẽ khó phát triển nếu không tự sản xuất được bất kỳ thứ gì. Thế hệ thợ tương lai của Việt Nam phải dám thử thách với những công việc có tính nền móng cho quốc gia như vậy.

- Phóng viên:Ngay từ những bước đi đầu tiên để xây dựng nền kinh tế Singapore, ông Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh: “Phải tập trung đầu tư cho ngành giáo dục để đào tạo một đội ngũ đông đảo các nhân tài kỹ thuật, các nhà khoa học, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua kinh tế”. Ông có bình luận gì về tinh thần này?

- AHLĐ.TS Phạm Văn Trung:Trước hết, tinh thần này đã giúp Singapore xây dựng được một hệ thống giáo dục tốt nhất không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn trên toàn thế giới. Định hướng cơ bản trong chính sách giáo dục của Singapore là tạo ra sự liên kết giữa giáo dục và phát triển kinh tế. Việc phát triển giáo dục nói chung và đào tạo – dạy nghề nói riêng phải thỏa mãn được nhu cầu của thị trường, khuyến khích các hoạt động sáng tạo theo đơn đặt hàng hoặc nhu cầu của doanh nghiệp. Nhờ chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, Singapore đã tạo được lợi thế so sánh để hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khi đó, ở nước ta, đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng vẫn theo kiểu hướng cung là chủ yếu, nghĩa là dạy theo những gì mà nhà trường có sẵn chứ không phải dạy những gì mà doanh nghiệp cần. Theo chúng tôi, dạy nghề Việt Nam cần phải chuyển mạnh từ hướng cung sang hướng cầu để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp.

- Phóng viên: Cảm ơn AHLĐ.TS Phạm Văn Trung!

Nguồn: Theo báo ANHP

Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 


Xem thêm:

Bình luận:

Địa chỉ

 Số 184 đường 5 mới - Hùng Vương - Hồng Bàng - Hải Phòng

Email info@bacbo.edu.vn
Điện thoại 0225 3522 277
Menu
Kết nối

Bản quyền thuộc về TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT BẮC BỘ
Thiết kế bởi: Hpsoft.vn

Hotline0225 3522 277

messenger icon zalo icon
Đăng ký xét tuyển
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

0225 3522 277