Nguồn nhân lực đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển HTX và các tổ chức kinh tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh, xác định hướng đi, gây dựng và truyền cảm hứng cho đội ngũ kế thừa, bằng sức mạnh đoàn kết, trách nhiệm xã hội của đông đảo thành viên.
Vẫn thiếu người tài cầm lái “con thuyền HTX”
Đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực trong hoạt động của các HTX, ông Trần Đoan, Giám đốc HTX ô tô vận tải và Du lịch Đà Nẵng cho rằng, năng lực cán bộ HTX hạn chế và tầm nhận thức về quản lý điều hành không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường, các HTX sẽ rất khó cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khác.
“Nếu không có chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, HTX và các tổ chức kinh tế tập thể sẽ không có khả năng theo kịp nền kinh tế thị trường, cũng như tiếp cận xu hướng hội nhập và trình độ khoa học công nghệ mới như hiện nay”, ông Đoan nhận định.
Theo quan điểm của TS. Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, trong môi trường kinh doanh toàn cầu biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao hiện nay, những người cầm lái “con thuyền HTX” trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động nhạy bén trong quản trị.
“Tầm nhìn của HĐQT, giám đốc HTX phải vượt qua được giới hạn của những suy nghĩ thông thường, có tính sáng tạo và khả năng dự đoán những biến động để “mở đường” cho HTX tiến lên. Những kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh này là cần thiết không chỉ cho các HTX mà cho bất kỳ tổ chức kinh tế nào”, bà Sa cho hay.
Thực tế hiện nay, trình độ của đội ngũ cán bộ ở một số HTX còn thấp, nhiều cán bộ quản lý HTX tuổi đã cao chưa qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản; trong khi nguồn nhân lực trẻ chưa mặn mà với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất của HTX và các tổ chức kinh tế tập thể.
Như thông tin từ TS. Nguyễn Viết Cường Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Bắc Bộ cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực các HTX trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
“Kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể chưa được quan tâm thực hiện. Các HTX luôn thiếu nguồn nhân lực quản lý có trình độ, năng lực và lực lượng lao động trình độ tay nghề cao, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực kinh tế tập thể còn yếu”, TS. Nguyễn Viết Cường nêu thực trạng.
Mô hình HTX chuyên nghiệp là nơi nhân tài tìm đến
Từ kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Xuyên Việt (Hải Dương) chia sẻ, HTX phải có mô hình bài bản để nhân tài nhìn thấy sự chuyên nghiệp và khả năng phát triển, mang lại giá trị cho họ khi quyết định tham gia HTX.
“Tính lan tỏa là điều quan trọng để HTX có được người tài. Với 1 HTX chuyên nghiệp, cần tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên cống hiến và phát triển. Quyền lợi của họ được đảm bảo sẽ có tính lan tỏa rộng khắp trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. HTX cần sớm xây dựng chiến lược này bằng hoạt động liên kết đào tạo, lựa chọn và đãi ngộ nhân tài ngay từ khi họ còn chưa ra trường, sau đó là các chế độ hấp dẫn khác để giữ được thành viên đóng góp tài năng lâu dài với HTX”, ông Việt chia sẻ.
Một cách làm khác để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là phân cấp chế độ đãi ngộ cho các thành viên. Như chia sẻ của ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Chúc Sơn (Hà Nội), HTX xây dựng hoàn chỉnh đề án chi trả tiền lương và tiền thưởng cho các thành viên. Lương cơ bản cho người mới tham gia ở mức 2,0 và tiền thưởng tối thiểu bằng mức lương cơ bản theo quý, theo năm.
“Tất cả các thành viên của HTX Chúc Sơn đều được đóng bảo hiểm, riêng những thành viên có năng lực và trình độ cao sẽ được đóng bảo hiểm theo mức lương thực tế. Công đoàn HTX xây dựng thiết chế văn hóa với quy định rõ ràng về chế độ, tiêu chuẩn riêng cho thành viên khi sử dụng trang thiết bị, xe máy phục vụ công việc”, ông Thám nêu kinh nghiệm.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động tại HTX và các tổ chức kinh tế tập thể, TS. Nguyễn Viết Cường đề xuất, thời gian tới cần đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu gắn với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc thù của vùng, miền, địa phương. Có như vậy mới đáp ứng với yêu cầu phát triển HTX trong điều kiện mới, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cần ưu tiên đầu tư cho 3 trường Cao đẳng của Liên minh HTX đào tạo quản lý các ngành nghề trọng điểm để phát triển lực lượng quản lý tốt hơn là quan điểm của ThS. Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH). Ông cho biết, đối với các trường của các Bộ, ngành có đào tạo nội dung liên quan đến HTX và kinh tế tập thể, Tổng cục ưu tiên lựa chọn để đưa vào các chương trình đào tạo trọng điểm ở các cấp độ, bằng việc đầu tư về cơ sở vật chất thiết bị và nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động tại HTX và các tổ chức kinh tế tập thể trong thời gian tới.