Sáng ngày 29/1, tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã có buổi tiếp và làm việc với ông Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam của tổ chức phát triển Đức (TVET-GIZ) trao đổi về một số nội dung hợp tác về đào tạo nghề giữa Liên minh HTX Việt Nam (VCA) và trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ trong năm 2019 và phương hướng hợp tác giữa các bên trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo tiếp và làm việc với ông Juergen Hartwig
Tham dự có ông Clause Bader, Chuyên gia phát triển TVET – GIZ; đồng chí Nguyễn Viết Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - kỹ thuật Bắc Bộ; đại diện các Ban tham mưu Liên minh HTX Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo gửi lời cảm ơn đến tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức trước những hỗ trợ của các chuyên gia trong nhiều năm qua. Đồng chí Chủ tịch cũng cho biết, hiện nay, số lượng HTX Việt Nam đạt 23.000, hơn 7 triệu hộ thành viên, đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Việt Nam hiện đang có phong trào xây dựng nông thôn mới và mỗi nông thôn mới đều phải có HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX đang có xu hướng phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng hoạt động. hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc thành lập và phát triển các HTX; chủ động tham mưu, tư vấn cho chính phủ các chính sách phát triển, sửa luật htx…; tư vấn về thủ tục thành lập htx; đẩy mạnh dịch vụ đào tạo cho các cán bộ HTX; đẩy mạnh hỗ trợ HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; hướng dẫn các HTX tìm ra các sản phẩm chủ lực, tìm kiếm doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; phát triển các đơn vị trực thuộc như trung tâm tư vấn, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm KHCN để hỗ trợ cho HTX. Liên minh HTX Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ và đang nghiên cứu mô hình kiểm toán của DRGV, trong năm 2019 tới đây sẽ thành lập trung tâm kiểm toán dành riêng cho HTX.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo tiếp và làm việc với ông Juergen Hartwig
Đối với các trường đào tạo, VCA cũng sẽ tái cơ cấu lại toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sức cạnh tranh. Trong thời gian tới, KTHT, HTX sẽ phát triển nhanh và nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, do đó VCA mong muốn được nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của GIZ cũng như từ Chính phủ Đức và các tổ chức phi chính phủ khác.
Ông Juergen Hartwig cho biết: ông rất ấn tượng với số liệu về HTX tại Việt Nam, có thể thấy rõ ràng tác động của VCA lên kinh tế xã hội là rất lớn. Ông cũng cho biết thêm, GIZ là cơ quan phụ trách hợp tác kỹ thuật, phụ trách nguồn vốn kỹ thuật ko hoàn lại và xây dựng năng lực cho 130 quốc gia. Hiện GIZ hoạt động trên 3 lĩnh vực môi trường, năng lượng và đào tạo nghề, theo đó, mỗi mảng sẽ kéo dài theo 1 số năm nhất định, trung bình 3 năm gia hạn 1 lần, trong đó, chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam chia ra làm 3 hợp phần, đó là: tư vấn xây dựng môi trường pháp lý cho các trường để nâng cao sức cạnh tranh của các trường; xây dựng chiến lược phát triển hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp cho bộ lao động; tự chủ tài chính giáo dục nghề nghiệp; tái cơ cấu mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống đào tạo nghề tại Đức được xem như thành công nhất trên thế giới, nhất là hệ thống đào tạo song hành. Trong đó, học viên sẽ học tại Doanh nghiệp và được trường nghề đào tạo miễn phí. Sau 3 đến 5 năm, học viên sẽ có bằng và ký hợp đồng làm việc với chính doanh nghiệp đào tạo học viên. Trường nghề được Chính phủ hỗ trợ toàn bộ học viên không mất học phí.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo tặng logo VCA cho ông Juergen Hartwig
Tại Việt Nam, môi trường rất khác với Đức nên không thể mang mô hình đào tạo này tại Đức về áp dụng tại Việt Nam. Do đó GIZ đang tìm và chọn ra những yếu tố thành công của mô hình Đức để xem xét áp dụng phù hợp tại Việt Nam. Trong đó phải tăng cường vai trò của doanh nghiệp, của HTX. Doanh nghiệp, HTX phải là đơn vị đánh giá chuẩn đầu ra, lựa chọn học viên.
Đồng ý với quan điểm của ông Juergen Hartwig, Chủ tịch cho biết Việt Nam vẫn còn yếu trong đào tạo nghề, từ cấp trung học, việc minh bạch trong đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất vẫn còn yếu, nhu cầu đào tạo lao động tay nghề cao vẫn còn rất thiếu và cần thiết.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo chụp hình kỷ niệm cùng đoàn công tác TVET - GIZ
Trong thời gian tới, Chủ tịch mong muốn hai bên tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong các hợp tác thời gian qua, GIZ tiếp tục hỗ trợ, giúp VCA đưa ra nhưng phương án tái cơ cấu lại các trường nghề trong hệ thống, phấn đấu để trường Cao đẳng Nghề kỹ kinh tế kỹ thuật Bắc Bộ trở thành trường nghề điểm và đạt top 10 các trường nghề trong vài năm tới; thực hiện tốt sứ mệnh của Trường “Cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cho khu vực kinh tế tập thể, HTX và DN”. Chủ tịch cũng bày tỏ niềm tin vào thành công của Đức sẽ áp dụng được với Việt Nam trong thời gian không xa.